Quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn theo pháp luật hiện hành

Hôn nhân được tạo nên là nơi để hai bên vợ chồng cùng nhau vun đắp, tìm kiếm hạnh phúc, quan tâm, chăm sóc, sẻ chia lẫn nhau. Chính vì vậy, trong mỗi cuộc hôn nhân, chẳng ai mong muốn đi đến kết cục là phải ly hôn. Thế nhưng trong nhiều tình huống, khi cuộc hôn nhân đã chẳng còn ý nghĩa, cuộc sống chung giữa vợ chồng lâm vào tình trạng không thể cứu vãn, thì có lẽ ly hôn là giải pháp cuối cùng giúp giải tỏa cho cả hai. Khi không tránh khỏi được đổ vỡ, người đau khổ nhất không chỉ là vợ chồng mà chịu nhiều thiệt thòi nhất có lẽ là những đứa con. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn theo pháp luật hiện hành.

Cách giải quyết vấn đề con cái khi ly hôn

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định khi ly hôn hai bên vợ chồng có thể tự bàn bạc, thỏa thuận về quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, không thể tự giải quyết được thì có thể yêu cầu ra Tòa để giải quyết.

Nếu hai vợ chồng có thể tự thỏa thuận thành công, hai bên ghi rõ vào đơn ly hôn về vấn đề nuôi dưỡng con chung là tự thỏa thuận, khi Tòa giải quyết vụ ly hôn sẽ không đề cập đến vấn đề này như một tranh chấp nữa.

quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn

Nếu vợ chồng không thỏa thuận được, muốn yêu cầu Tòa giải quyết tranh chấp thì cần phải trình bày trực tiếp trong đơn ly hôn rồi gửi đến Tòa án.

Quy định của pháp luật hiện hành về quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn

Trường hợp ưu tiên người mẹ nuôi dưỡng

Quy định của pháp luật về việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái được quy định chi tiết và cụ thể tại Điều 81 Luật hôn nhân và Gia đình 2014. Theo đó, trong trường hợp hai bên vợ chồng không thể tự thỏa thuận được quyền nuôi con thuộc về ai thì khi ra tòa quyền trực tiếp nuôi con sẽ được quy định như sau:

  • Trường hợp con còn nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì luôn ưu tiên cho người mẹ nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện có thể trực tiếp nuôi bé. Do khi bé nhỏ hơn 3 tuổi, cơ thể bé vẫn còn vô cùng yếu, sức đề kháng kém và dễ ốm bệnh, rất cần có sự chăm sóc của người mẹ, chẳng hạn những việc như cho con ăn bằng sữa mẹ, dạy dỗ con cách ăn uống, chăm lo sức khỏe cho con mỗi khi con ốm mệt thì người mẹ vẫn luôn thích hợp nhất trong giai đoạn này.
  • Con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi, Tòa án sẽ căn cứ dựa trên điều kiện của hai bên. Sau 3 năm đầu, khi bé đã lớn hơn và cứng cáp hơn thì Tòa có thể sẽ căn cứ dựa vào điều kiện kinh tế cũng như khả năng chăm sóc của hai bên bố mẹ, xem xét xem ai là người có thể tạo điều kiện cũng như chăm lo cho bé được chu đáo nhất cả về vật chất lẫn mặt tinh thần. 
  • Con từ 7 tuổi trở lên, Tòa án căn cứ dựa trên nguyện vọng cá nhân của bé. Khi bé lớn đến 7 tuổi là lúc bé đã có thể nhận thức được về tình cảm cá nhân mình, bé có thể tự quyết định việc sống chung với ai mà bé cảm thấy yêu hơn hay thích hợp với bé hơn, từ đó Tòa sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên nguyện vọng của bé.
quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn
Mẹ được ưu tiên nuôi con dưới 3 tuổi hơn bố

Qua một số quy định trên đây, ta có thể thấy, pháp luật Việt Nam hiện hành đã quy định rõ, khi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì ưu tiên cho người mẹ nuôi. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp khi con nhỏ hơn 03 tuổi quyền nuôi con đều thuộc về mẹ bé.  Pháp luật nước ta luôn ưu tiên đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, ưu tiên bảo vệ cho quyền lợi của cả mẹ và bé. Điều này thể hiện không chỉ thể hiện rõ qua Luật Hôn nhân gia đình, mà còn được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác, như tại Điều 67 Bộ luật Hình sự, có quy định về các trường hợp được miễn chấp hành các  hình phạt tù, khi người nữ phạm tội hình sự có thể được xem xét tạm hoãn chấp hành hình phạt tù khi đang có bầu, hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, trường hợp mang thai thì có thể tạm hoãn đến khi con sinh ra và lớn lên đủ 36 tháng tuổi.

Trường hợp ưu tiên người cha nuôi dưỡng

Có một số trường hợp cụ thể mà người cha có thể trực tiếp được quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn như sau:

Trường hợp hai vợ chồng tự thỏa thuận thành công quyền nuôi con khi ly hôn.

Trong trường hợp hai vợ chồng có thể bàn bạc và tự thỏa thuận được quyền nuôi con thuộc về ai, thì Tòa án sẽ tôn trọng quyết định ấy. Trong trường hợp sau khi ly hôn, hai vợ chồng sinh sống mỗi người một nơi, người vợ nhận thấy rằng đứa con sống với cha sẽ tốt hơn khi sống với mình, bản thân mình không đủ điều kiện để quan tâm chăm sóc bé và trong khi đó người chồng cũng có mong muốn được nuôi dưỡng đứa con thì hai người có thể tự thỏa thuận chấp nhận để người chồng nuôi con.

quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn

Trường hợp người vợ không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

Điều kiện ở đây là những thứ có thể tác động đến thể chất, tinh thần cũng như là việc giáo dục, dạy dỗ con. Chẳng hạn, trường hợp người mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự, mất tích,tinh thần không ổn định, mắc các bệnh nan y hiểm nghèo, sức khỏe không tốt cần điều trị thường xuyên mà không thể chăm sóc cho con được.

Những điều kiện khác có thể kể đến là điều kiện về kinh tế, người vợ sau khi ly hôn không có chỗ ở ổn định để hai mẹ con có thể cùng nhau sinh sống, hoặc có chỗ ở nhưng tồi tàn, xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo cho an toàn sức khỏe của trẻ nhỏ, dễ khiến bé bị nhiễm bệnh… Người vợ không có việc làm có thu nhập ổn định, hoặc vì đi làm cả ngày kiếm tiền mà cũng không có ai để nhờ trông nom, chăm sóc cho con.

Trường hợp người mẹ có lối sống sa đọa, ăn chơi, tệ nạn như là thường xuyên tụ tập đánh bạc, sử dụng những chất kích thích, chất cấm như rượu, bia, thuốc lá, ma túy dẫn đến mất khả năng khống chế hàng vi…

quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn

Trường hợp người mẹ có dấu hiệu bạo lực, thường xuyên la lối, đánh đập, ngược đãi đối với con thì đương nhiên rất khó để Tòa quyết định cho mẹ nuôi bé vì sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần của bé. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay tại Việt Nam, con cái dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên cho mẹ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng; trừ trường hợp hai bên đi đến thỏa thuận phù hợp với sự phát triển tốt nhất của con, hoặc người mẹ không đủ điều kiện để được quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục bé.

Trên đây là bài viết giúp các bạn hiểu thêm về quy định của pháp luật hiện hành trong vấn đề quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn. Hy vọng thông tin trên sẽ giúp các bạn có thêm hiểu biết về vấn đề này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *